sách phật giáo

Đại Đường Tây Vực Kí : Tác giả Trần Huyền Trang

Đại Đường Tây Vực ký (tiếng Trung: 大唐西域記), thường được gọi tắt là Tây Vực ký, là một tập ký kể về hành trình 19 năm của nhà sư Huyền Trang xuất phát Trường An (Trung Quốc) du hành qua khu vực Tây Vực trong lịch sử Trung Quốc. Nhà sư đã đi qua Con đường tơ lụa của Tân Cương ngày nay ở phía tây bắc Trung Quốc, cũng như các khu vực lân cận ở Trung Á và Nam Trung Quốc. Ngoài các địa điểm này của Trung Quốc, Huyền Trang cũng đi vòng quanh Ấn Độ, đến tận phía nam như Kancheepuram. Chuyến du hành của Huyền Trang không chỉ giữ một vị trí quan trọng trong các nghiên cứu xuyên văn hóa của Trung Quốc và Ấn Độ, mà cả các nghiên cứu xuyên văn hóa trên toàn cầu. Tập ký vừa cung cấp những ghi chép trên đường hành hương tôn giáo của Huyền Trang, vừa ghi nhận các mô tả về các địa phương mà ông đi qua trong giai đoạn lịch sử thời Đường. Tập ký được biên soạn vào năm 646, mô tả các chuyến đi được thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 626 đến 645. Biện Cơ, một đệ tử của Huyền Trang, đã dành hơn một năm để ghi chép và hiệu chỉnh tập sách từ những lời kể của thầy mình.

Phép lạ của sự tỉnh thức : Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức" là những phương pháp thực hành thiền quán trong đời sống hàng ngày. Khi đọc cuốn sách này, chúng ta có thể cảm nhận được niềm hạnh phúc nhỏ nhặt từng khoảnh khắc trong cuộc sống. Từ bác sĩ, công nhân, thợ may, thợ tiện, bà nội trợ đến kỹ sư... mọi người và công việc thường ngày đều trở nên đặc biệt khi chúng ta áp dụng chánh niệm vào cuộc sống. Cuốn sách này đã được dịch ra gần 30 ngôn ngữ trên toàn thế giới và được đón nhận nồng nhiệt bởi độc giả và mọi tầng lớp trong xã hội. Điều đó chứng tỏ đây không chỉ là một cuốn sách mà là những chia sẻ kinh nghiệm thực tế về cuộc sống chánh niệm trong đời sống hàng ngày, đồng thời cũng là bài học cơ bản về thực hành thiền quán của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh.

Hành trình về phương Đông: Tác giả Baird T. Spalding

Hành Trình Về Phương Đông mở ra một chân trời mới về Đông Tây gặp nhau, để khoa học Minh triết hội ngộ, để Hiện đại Cổ xưa giao duyên, để Đất Trời là một. Thế giới, vì vậy đã trở nên hài hòa hơn, rộng mở, diệu kỳ hơn và, do đó, nhân văn hơn. "Hành Trình Về Phương Đông" kể về những trải nghiệm của một đoàn khoa học gồm các chuyên gia hàng đầu của Hội Khoa Học Hoàng Gia Anh được cử sang Ấn Độ nghiên cứu về huyền học và những khả năng siêu nhiên của con người. Suốt hai năm trời rong ruổi khắp các đền chùa Ấn Độ, chúng kiến nhiều pháp luật, nhiều cảnh mê tín dị đoan, thậm chí lừa đảo...của nhiều pháp sư, đạo sĩ...họ được tiếp xúc với những vị thế, họ được chứng kiến, trải nghiệm, hiểu biết sâu sắc về các khoa học cổ xưa và bí truyền của văn hóa Ấn Độ như Yoga, thiền định, thuật chiêm duyên, nghiệp báo, luật nhân quả, cõi sống và cõi chết.... Đúng lúc một cuộc đối thoại cởi mở và chân thành đang sắp diễn ra với các đạo sĩ bậc thầy, thì đoàn nhận được tối hậu thu từ chính quyền Anh Quốc là phải ngừng ngay việc nghiên cứu, tức khắc hồi hương và bị buộc phải im lặng, không được phát ngôn về bất cứ điều gì mà họ đã chứng nghiệm. Sau cùng ba nhà khoa học trong đoàn đã chấp nhận bỏ lại tất cả sau lưng, ở lại Ấn Độ tiếp tục nghiên cứu và cuối cùng trở thành tu sĩ. Trong số đó có giáo sư Salding- tác giả hồi ký đặc biệt này.

Đường xưa mây trắng: Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Đường Xưa Mây Trắng là cuốn sách kể chuyện đời đức Phật Thích Ca qua con mắt của chú bé chăn trâu Svasti, sau xuất gia, trở thành một vị đệ tử của Phật. Đó là chú bé cúng dường cỏ bồ đề cho sa môn Tất Đạt Đa tĩnh tọa suốt 49 ngày trước khi thành đạo. Tác phẩm là một thiên anh hùng ca tỏ bày lòng ngưỡng mộ chân thành trước một lối sống gương mẫu đầy những hành vi và mục đích cao cả, thu hút bạn đọc bởi nhân cách vĩ đại của Buddha qua cái nhìn và ngòi bút của Thầy Thích Nhất Hạnh.

Với văn phong nhẹ nhàng giản dị, với lối kể chuyện sinh động lôi cuốn, tác giả đã đưa chúng ta trở về tắm mình trong dòng sông Nguyên thỉ cách đây gần 2.600 năm, để được hiểu và gần gũi với một bậc giác ngộ mà cuộc đời của Ngài tỏa rạng nếp sống đầy tuệ giác và từ bi.

Tổng quan về Phật giáo Mật Tông Tây Tạng: Tác giả Lama Ngawang Samten

“Tổng quan về Phật giáo Mật tông Tây Tạng” trình bày và tìm hiểu một cái nhìn toàn diện của Mật tông Tây Tạng, với hy vọng đưa ra một “tổng hợp thể” về Mật tông Tây Tạng. Sự hiểu biết tổng quan và đại cương này rất cần thiết, để cho những người muốn tìm về giáo lý và hành trì Mật tông có được một tài liệu tham khảo và minh định hướng đi của mình trên con đường tìm về chân lý của chư Phật. Mỗi chúng sinh đều thọ thân người với những thuộc tính và căn cơ khác nhau. Cho nên mỗi người phải tự mình chọn lựa pháp môn thích hợp. Chỉ riêng về Mật tông Tây Tạng đã có nhiều trường phái riêng biệt, mỗi trường phái lại có ngàn vạn pháp môn khác nhau, không thể nào tìm học cho hết dù dành cả đời mình để học hỏi. Do đó cuốn sách này cũng chỉ giới hạn về đại cương quá trình hình thành Mật tông Tây Tạng qua lịch sử và các trường phái chính cũng như các pháp môn hành trì rộng rãi nhất của các trường phái đó, để người sơ cơ có thể từ đó tìm hiểu và chọn hướng đi phù hợp với căn cơ của mình.

*** Tất cả các tư liệu trên chỉ có tính chất tham khảo được thuật lại từ các nguồn trang web Phật giáo ( phatgiao.org / thuvienhoasen.org/wikipedia/Phatgiaonguyenthuy/,,,) và đã được chọn lọc thông tin. Về mức độ thực hư so với lịch sử chỉ ở mức tương đối , nguyên là vì không có khái niệm kinh điển nguyên thủy, vì thời Đức Phật tại thế không có kinh điển và thời ấy tại Ấn Độ không có các nhà sử học , do đó lịch sử Phật giáo và lịch sử Ấn Độ không ít nhiều cũng đã có phần xuyên tạc. Các bạn đọc giả khi đọc và nghiên cứu cần phải cân nhắc thận trọng và kĩ lưỡng nguồn thông tin từ các tài liệu và lịch sử Phật giáo được truyền bá. Khuyến khích nếu là Phật tử, chỉ nên biết không nên chuyên sâu.